BỆNH VẢY NẾN ĐỪNG NÊN QUÁ BI QUAN

24/06/2021

 

    Ngày nay, với sự tiến bộ không ngừng trong lĩnh vực y học bệnh vảy nến gần như có thể kiểm soát, duy trì giai đoạn ổn định kéo dài, hạn chế sự tái phát và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.

1. Bệnh vảy nến là gì?

   Vảy nến là bệnh da viêm mạn tính, chiếm khoảng 2-3% dân số. Bệnh do nhiều gen chi phối qua trung gian miễn dịch. Một số yếu tố từ môi trường như: chấn thương, nhiễm trùng hay thuốc hoặc thể khởi phát trên một cơ địa di tryền.

2. Các yếu tố khởi phát bệnh:

   - Vai trò các yếu tố bên ngoài:

        + Thuốc: lithium, chẹn beta, kháng sốt rét, kháng viêm không steroid, tetracycline, glucocorticoid toàn thân.

        + Nhiễm trùng: nhiễm liên cầu ở amidan, nhiễm trùng da hoặc tiêu hóa ( do staphylococcus aureus, Malassezia, Candida albicans).

        + Chất thương da, bỏng nắng, stress, rối loạn nội tiết, chuyển hóa, nghiện rượu, hút thuốc lá...

     - Vai trò của di truyền: có ít nhất chín vùng gen liên quan với vảy nến, đặc biệt vùng gen PSORS1 chiếm 50% nguy cơ mắc bệnh.

     - Vai trò của miễn dịch: vảy nến là bệnh viêm mạn tính qua trung gian tế bào gây tăng sinh thượng bì biểu hiện trên lâm sàng là hình ảnh thượng bì dày, tróc vảy, hiện diện các tế bào có nhân chưa trưởng thành trong lớp sừng.

3. Nguyên tắc điều trị:

     - Điều trị bệnh phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh, mức độ nặng nhẹ của bệnh, cũng như điều kiện kinh tế xã hội của bệnh nhân. Có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

     - Bên cạnh đó cần có sự phối hợp của người bệnh như tuân thủ liệu trình điều trị, thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị và hạn chế tái phát bệnh.

4. Các phương pháp điều trị hiện nay:

   - Điều trị tại chỗ: corticosteroid, ức chế calcineurin, dẫn xuất vitamin D, acid salicylic, dẫn xuất vitamin A , kem dưỡng ẩm…

   - Điều trị toàn thân: methotrexat, vitamin A acid, cyclosporin…

   - Liệu pháp ánh sáng: PUVA, UVB dải hẹp, laser…

   - Đặc biệt thuốc sinh học là bước tiến mới trong điều trị bệnh vảy nến có thể giúp cải thiện gần như hoàn toàn sang thương mang lại sự tự tin, thoải mái và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

5. Cần kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để kiểm soát được bệnh:

   - Nên ăn các thức ănchứa nhiều chất chống oxy hóa, carotene, acid béo omega-3, kẽm, vitamin D, đạm, kẽm…

   - Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, chiên xào, nhiều đường, thịt đỏ, trứng, sữa bò, trái cây họ cam quýt, thực hiện chế độ ăn không gluten…

  - Thường xuyên tập thể thao để rèn luyện sức khỏe.

  - Tránh thức khuya, hút thuốc, uống rượu bia, căng thẳng.

 * Đặc biệt không nên dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ tránh tình trạng dị ứng cũng như gây khởi phát bệnh một cách trầm trọng và khó điều trị hơn.

     Như vậy hiện nay việc kiểm soát được bệnh là hoàn toàn có thể bằng cách phối hợp nhiều phương pháp cũng như tuân thủ điều trị của người bệnh. Hãy đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của bạn.

    Bệnh viện Da liễu Cần Thơ với đội ngũ cán bộ y tế tận tâm với nghề áp dụng đầy đủ các phương pháp điều trị đã nêu trên trong đó có thuốc sinh học. Đặc biệt đã triển khai và đi vào hoạt động có hiệu quả phòng khám “ vảy nến” tư vấn chuyên sâu góp phần điều trị và kiểm soát bệnh hiệu quả.

 

    Bs. Huỳnh Nữ Hồng Trúc