MÓNG CHỌC THỊT

08/02/2022

1.Móng chọc thịt là gì?

    Móng chọc thịt là một hiện tượng góc trước của bờ bên mảng móng chọc và xé rách tổ chức phần mềm ở cuốn móng bên làm cho móng sưng lên, đau và gây ra nhiễm khuẩn ở cuống móng bên. Khi người bệnh đi giày các triệu chứng của móng chọc thịt sẽ có xu hướng xấu hơn, đặc biệt là tình trạng nhiễm khuẩn và bờ bên bản móng liên tục phát triển chọc vào phần mềm ở cuốn móng bên.

Hình ảnh lâm sàng móng chọc thịt

    Móng chọc thịt thường xảy ra ở ngón chân, hay gặp nhất là ngón chân cái, hiếm khi xảy ra ở ngón tay. Móng chọc thịt không gây nguy hiểm, tuy nhiên nó lại gây khó khăn trong việc đi lại, đặc biệt ở những người cần đi giày.

2.Biểu hiện lâm sàng:có 3 giai đoạn

Giai đoạn 1(viêm nhẹ)

      Dấu hiệu sớm nhất của móng chọc thịt là đau, sưng nhẹ và tăng tiết mồ hôi của vùng liên quan. Bản móng đã gây chấn thương cho biểu mô của cuốn móng bên, hiện tượng này liên tiếp xảy ra gây nên phù nề cuốn móng bên, phù nề này càng trầm trọng hơn do áp lực ở giữa bản móng và xương ngón. Có nhiều mức độ sưng nề và đỏ có thể xảy ra, nó phụ thuộc vào thời gian của tổn thương.

Giai đoạn 2(viêm vừa)

     Đặc điểm của giai đoạn này là đau nhạy cảm, tăng tiết mồ hôi và tăng sinh tổ chức hạt ở cuốn móng bên thông qua tổ chức mới phá hủy hoặc loét và trùm lên bản móng, cuốn móng bên phù nề, tiết dịch và mủ. Có mùi thối được tạo ra bởi các vi khuẩn gram dương xâm chiếm tại chỗ.

Giai đoạn 3(viêm nặng)

     Các triệu chứng của giai đoạn này giống như giai đoạn 2, nhưng về mặt giải phẫu lại có sự khác biệt quan trọng. Tổ chức hạt phủ lên bản móng làm cho bản móng không thể nâng lên khỏi rãnh móng.

3.Điều trị

     Phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng là bệnh nhân không nên đi giày chật hoặc giày cao gót, đi dép là tốt nhất.

Giai đoạn 1: cần điều trị bảo tồn bằng các phương pháp sau:

   - Ngâm chân vào nước ấm 4 lần/ngày

   - Rửa chân bao gồm cả vùng thương tổn bằng xà phòng và nước sạch.

   - Đặt bông gòn vào góc rãnh móng bên: nhẹ nhàng nâng gốc móng ngoài lên và đặt cục bông gòn vào giữa bản móng và tổ chức phần mềm để góc ngoài bản móng không chọc vào tổ chức phần mềm.

   - phương pháp Duboid: cắt phần mềm ở góc bờ bên trước phần móng chọc thịt.

   - Nẹp móng đàn hồi: để nâng 2 bờ bên khỏi cuốn móng bên.

Giai đoạn 2

    Giai đoạn này cần phải dùng thuốc bôi và kháng sinh. Thuốc kháng sinh bôi kết hợp với thuốc tê tại chổ để giảm đau. Có thể thực hiện phẫu thuật ở giai đoạn này.

Giai đoạn 3

   Giai đoạn này điều trị móng chọc thịt bằng phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ một phần bản móng cùng với gốc móng tương ứng.

    Có nhiều lựa chọn điều trị phẫu thuật khác nhau cho móng chọc thịt, mặc dù chưa có kỹ thuật nào chứng minh được là lựa chọn ưu tiên. Các quy trình phẫu thuật hoàn hảo nên kết quả ở mức độ cao cho sự hài lòng của người bệnh, cả về chức năng và thẩm mỹ, trở lại hoạt động bình thường nhanh chóng và tỉ lệ tái phát thấp.

    * Các kỹ thuật chỉ định cho giai đoạn 2 và 3 của móng chọc thịt:

     - Đốt điện: nhược điểm của phương pháp này là tổn thương mô do nhiệt và gây đau.

    - Laser Co2:ưu điểm của phương pháp này là ít gây chảy máu, ít gây đau hơn, kết quả tương đối tốt, tỉ lệ tái phát thấp.

    - Kỹ thuật Suppan 1: kỹ thuật này áp dụng chủ yếu trong những trường hợp bệnh nhân không có phì đại bờ móng, ở bệnh nhân cao tuổi, khả năng tái sinh của mô giảm, tỉ lệ tái phát thấp.

    - Kỹ thuật cắt bớt và loại bỏ một phần bờ móng bên: được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân có phì đại mô mềm và bờ tự do của móng. Hai kỹ thuật thường được áp dụng theo phương pháp này là kỹ thuật Vandenbos và kỹ thuật Perez Rosa

     - Cắt tỉa góc móng, một phần giường móng, mầm móng và bờ móng: cắt bỏ các phần bị tổn thương của các tấm móng, một phần mầm móng và một phần cạnh móng gây bệnh, cắt bỏ bờ móng phì đại và giường móng. Phẫu thuật này phù hợp với trường hợp bệnh nhân có tổn thương ở bản móng và có cả phì đại mô mềm quanh móng. Kỹ thuật này đem lại hiệu quả cao và tỉ lệ tái phát thấp.

Quy trình thực hiện phẫu thuật móng chọc thịt:

     - Gây tê tại chỗ: Có thể tê vòng tròn quanh ngón hoặc tê trực tiếp vùng tổn thương cùng góc móng tương ứng.

     - Lấy bỏ tổ chức hoại tử, mủ và các tổ chức hạt phù đại, rửa vết thương.

     - Cắt bỏ một phần bản móng và tạo ra một bờ móng mới. Diệt mầm móng bằng đốt điện hay phenol để ngăn ngừa móng bờ bên bản móng phát triển trở lại.

    - Cắt bỏ bản móng cùng với mầm móng tương ứng trong một thì mổ

    - Khâu vết mổ, tra mỡ kháng sinh lên vết băng, vết mổ.

     Tóm lại, móng chọc thịt là một hiện tượng rách tổ chức phần mềm ở cuốc bên do góc trước của bờ bên mảng móng chọc vào làm cho móng sưng lên, đau và gây ra nhiễm khuẩn. Nếu tình trạng móng viêm nặng cần phải phẫu thuật móng chọc thịt. Tốt nhất người bệnh nên đến với bệnh viện để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh để móng viêm nặng gây đau nhức, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

                                                                                                                                                                              BS.Trương Hồng Ngọc

 

Tài liệu tham khảo

1. Bernard l. Raskin (1996): Nail – Princples and techniques of cutaneous surgury : 264- 281.

2. Gupta, -S; Sahoo, – B; Kumar, – B (2001): Treating ingrown toenail by nail splinting with a flexible tube; An Indian experience; J – Dermatol. Sep; 28 ( 9 ): 285 – 9.

3. Herold, – N; Houshian, -S; Riegels  Nielsen (2001): A prospective comparison of wedge matrix resection with nail matrix phenolization for the treatment of ingrown toenail: J – Foot – Ankle – Sur: Nov – Dec; 40 ( 6 ): 390 -5.

4. Mozena, John – D(2002): The Mozena classification System and treatment algorithm for ingrown hallux nail: J- Am – Podiatr – Med – Assoc: Mar; 92 (3): 131 – 5.

5. Nardo Zaias; Miani Beach (1980): Ingrown nails, the nail in health and disease: 87 – 90.

6. Ozawa T; Nose K; Harada T; Muraoka; Ishii M (2005) : Partial matricectomy with a co2 laser for ingrown toenail after nail matrix staining 31 (3), 302 – 5.

7. Petres R. Rmpel; P. Robin (1996): Nails – Dermatologic surgery: 480 – 488.

8. Robert P. Fosnaugh (1982): Surgery of the nail – Skin surgery: 981 – 1007.

 

9. Richard.E. Fitzpatrich and Mitchel P. Goldman (1994): laser surgery Co2:, 198 – 247.