BỆNH GIANG MAI VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ

27/01/2022

Hình ảnh tóm tắt các giai đoạn, điều trị và cách phòng ngừa bệnh giang mai.

            ( Nguồn: The Scientific World)

  Bệnh giang mai.

       - Giang mai là bệnh do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây ra, dễ lây lan, chủ yếu là qua hoạt động tình dục. Người bệnh thường không biết về căn bệnh này và vô tình lây cho người khác.

       - Các đường lây truyền: qua quan hệ tình dục; tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai qua các vết xước trên da, niêm mạc; từ mẹ sang con do xoắn khuẩn giang mai xâm nhập máu thai nhi qua rau thai; truyền máu hay qua các dụng cụ tiêm, chích bị nhiễm bệnh

Triệu chứng và biến chứng của bệnh.

        - Biểu hiện bệnh giang mai không phải lúc nào cũng rõ ràng, tùy vào từng giai đoạn bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, bệnh sẽ chuyển từ giai đoạn nhẹ sang giai đoạn nặng và để lại nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

        - Các biểu hiện của bệnh giang mai để bạn nhận biết có thể bao gồm:

              + Các vết loét nhỏ hoặc không đau, thường xuất hiện trên dương vật, âm đạo hoặc xung quanh hậu môn, nhưng có thể xảy ra ở những nơi khác như miệng.

              + Nổi những mẩn đỏ thường ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc thân mình.

              + Mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp, sốt và nổi hạch ở cổ, nách và bẹn.

          - Biến chứng:

              + Giang mai thần kinh có thể gây đau đầu dữ dội, co giật, bại liệt, ảo giác, hoang tưởng, tiêu tiểu không tự chủ.

              + Giang mai mắt có thể gây ra các dị thường ở đồng tử mắt, khiến cho đồng tử nhỏ, hẹp và mất đi năng lực phản xạ với ánh sáng, ảnh hưởng đến thị giác của bệnh nhân.

              + Giang mai tim mạch thường gây viêm động mạch chủ, triệu chứng lâm sàng thường không có gì đặc hiệu ngoài các triệu chứng tim mạch thông thường, bệnh diễn tiến nặng có thể có triệu chứng suy tim trái do hở van động mạch chủ.

               + Giang mai cơ xương khớp gây tình trạng đau khớp, đau cơ, đau ở các chi, khó phối hợp các cử động cơ.

               + Mẹ mắc giang mai thời kì mang thai có thể mắc biến chứng khác như: sẩy thai, thai lưu, đẻ non hay sinh con nhẹ cân.

               + Giang mai bẩm sinh:

                      Giang mai bẩm sinh sớm: thường xuất hiện trong 2 năm đầu với các triệu chứng như phỏng nước, bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot, nhẹ cân, tuần hoàn bàng hệ, gan to, lách to,…

                      Giang mai bẩm sinh muộn: xuất hiện khi bé trên 2 tuổi với các triệu chứng như viêm giác mạc kẽ ở trẻ dậy thì, lác quy tụ, điếc cả 2 tai ở trẻ

                      Giang mai bẩm sinh đôi khi không có các triệu chứng trên, chỉ có thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, xương chày lưỡi kiếm,… đó là di chứng của Giang mai bẩm sinh do các thương tổn từ trong bào thai đã liền sẹo để lại.

Hình ảnh giang mai bẩm sinh

( Nguồn CDC. GOV)

Tầm quan trọng của tuân thủ trong điều trị.

     Với những biến chứng vô cùng nặng nề như trên việc phát hiện sớm và tuân thủ trong suốt quá trình điều trị là vô cùng quan trọng:

          - Tùy vào từng giai đoạn bệnh có các phát đồ điều trị phù hợp, cần phải tuân thủ tuyệt đối để đạt được hiệu quả khỏi bệnh cao nhất.

          - Tuân thủ quá trình điều trị sẽ hạn chế được các biến chứng và góp phần phòng ngừa bệnh tái phát.

          - Bên cạnh đó người bệnh cần chung thủy một vợ, một chồng. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để phòng ngừa lây nhiễm bệnh.

 

                                                                                                        BS. Huỳnh Nữ Hồng Trúc 

Tài liệu tham khảo

- PGS. TS. Nguyễn Văn Thường (2019). Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu.

- Maria E. Tudor; Ahmad M. Al Aboud; William Gossman (2021). Syphilis.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534780/>.

- Pranatharthi Haran Chandrasekar ( 2017). Syphilis Guidelines.                 

 < https://emedicine.medscape.com/article/229461-guidelines>.