CẢNH GIÁC VÀ XỬ TRÍ MỘT SỐ BỆNH DA TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM

19/11/2021

    Những tháng cuối năm là thời điểm bước vào mùa Đông Xuân ở miền Bắc, mùa lũ ở miền Trung cũng như mùa khô ở miền Nam. Vào khoảng thời gian này rất dễ mắc các bệnh về da như sau:

1. Viêm da cơ địa

    Viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm, là bệnh da mạn tính thường gặp với những biểu hiện là tổn thương khô da tay, chân, mặt, đỏ và tróc vảy. Vào mùa đông, thời tiết khô hanh, thiếu độ ẩm, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

* Biện pháp xử trí:

   - Mục đích điều trị viêm da cơ địa là để giảm viêm, giảm ngứa và ngăn chặn các cơn bùng phát trong tương lai, tránh biến chứng.

   - Giảm ngứa:thuốc dạng bôi hoặc uống

   - Kem dưỡng ẩm

   - Thuốc kháng viêm: Các kem kháng viêm có corticoid chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tùy vào tính chất tổn thương, bác sĩ sẽ kê dạng hoạt chất từ nhẹ đến nặng.

   - Kháng sinh nếu có tình trạng nhiễm trùng da

2. Nấm da

   - Thời tiết nắng nóng hay mưa bão, lũ lụt đều là những điều kiện thuận lợi cho các loại vi nấm phát triển.

* Dấu hiệu nhận  biết bệnh:

   - Nấm da với các đám da có mụn nước tróc vảy, bờ nổi gồ, lan rộng dần, có thể có các sẩn đỏ hoặc mụn nước, ngứa ít hoặc không ngứa.

   - Các vị trí bị bệnh nấm da thường gặp nhất: nấm thân mình, nấm bẹn, nấm bàn tay, bàn chân, nấm kẽ ngón, nấm vùng da đầu và nấm móng. Riêng nấm bẹn hay gặp ở nam sau tuổi dậy thì, nấm da đầu hay gặp ở trẻ em, lang ben hay gặp ở tuổi thanh thiếu niên.

* Biện pháp xử trí:

    - Các trường hợp nấm da diện tích nhỏ và không nặng: Bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc kháng nấm dùng ngoài da dạng mỡ, dạng kem, dạng gel, dạng bột hoặc thuốc xịt…

    - Các trường hợp nấm da diện tích lớn hoặc nặng: được chỉ định dùng các thuốc kháng nấm đường uống kèm các thuốc hỗ trợ cần thiết.

3. Ghẻ ngứa

   - Ghẻ ngứa là một bệnh da lây nhiễm, do ký sinh trùng cái ghẻ gây ra, lây truyềntừ người sang người

   - Người bị ghẻ sẽ có các dấu hiệu sau:

      + Ngứa nhiều về đêm, nhất là vùng da non (như kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, trên đường chỉ tay, nách, quanh rốn, bụng dưới, mặt trong đùi...).

      + Nổi mụn nước màu trắng đục, nằm rãi rác, tập trung nhiều ở vùng da non.

      + Có thể kèm nổi sẩn cục (hay còn gọi là nốt ghẻ) màu nâu- đỏ ở bìu, dương vật, nách, đường kính khoảng 3-5mm, có ngứa hoặc không, thường gặp ở trẻ em.

   - Bệnh ghẻ ngứa rất lây, nên xung quanh thường có nhiều người bị ngứa.

* Biện pháp xử trí:

   - Bệnh ghẻ ngứa được điều trị chủ yếu là thuốc bôi tại chỗ (Bôi toàn thân, buổi tối) để diệt cái ghẻ, uống thuốc kháng histamin với mục đích giảm ngứa, để tránh cào gảy, phòng ngừa nhiễm trùng và chàm hóa.

4. Viêm nang lông

   - Viêm nang lông là tình trạng viêm của đơn vị nang lông gây ra do nhiễm trùng, dị ứng hóa chất hay chấn thương vật lý.

   - Viêm nang lông do vi khuẩn Staphylococcus là dạng thường gặp của viêm nang lông nhiễm trùng.

Các dạng lâm sàng:

   - Viêm nang lông nông (chốc Bockhart): mụn mủ nhỏ, 1-4mm hay những mảng đóng mài trên nền hồng ban , dễ vỡ, hình vòm xuất hiện ở nơi sợi lông nhô lên, thường ở da đầu của trẻ em và vùng râu, nách, chi và mông ở người lớn. Các tổn thương thường tụ lại và lành không để lại sẹo.

   - Viêm nang lông sâu: viêm nang râu: là những sẩn hồng ban to, căng, trung tâm có mụn mủ, thỉnh thoảng hợp lại thành mảng có mủ hay đóng mài. Tổn thương có thể ngứa và nhạy cảm. Nếu không điều trị, tổn thương trở nên sâu hơn và mãn tính. Trong trường hợp nhiễm nấm, sợi lông thường bị đứt và có những nốt hạt có mủ và thường không đau.

* Biện pháp xử trí:

   - Làm giảm số lượng vi khuẩn trên da: Vệ sinh vùng da bị ảnh hưởng hàng ngày với dung dịch có tính kháng khuẩn. Tránh các thuốc bôi dạng mỡ có tính bít tắc.

   - Chăm sóc da tay và thân mình với nước và xà bông diệt khuẩn là cần thiết.

   - Điều trị kháng sinh: Kháng sinh thoa tại chỗ 2 lần/ngày ở vùng da bị ảnh hưởng, sử dụng fusidic acid, mupirocin hay kem clindamycin 2%. Trong những trường hợp tổn thương lan rộng, cần điều trị kháng sinh toàn thân.

5. Mụn trứng cá

   - Mụn trứng cá là tình trạng phổ biến mà nhiều bạn gặp phải, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì. Mụn trứng cá không tác động nhiều đến sức khỏe nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn về mặt thẩm mỹ. 

ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ: CẦN PHẢI KIÊN TRÌ

     * Mụn trứng cá nhẹ: Có thể tự điều trị tại nhà bằng các sản phẩm bôi tại chỗ như benzoyl peroxide hay salicylic acid, retinoides...

     * Mụn trứng cá trung bình: Người bị mụn trứng cá cần điều trị kết hợp 2 hay nhiều phương pháp:

       - Phương pháp vật lý.: điều trị bằng ánh sáng.

       - Thuốc kê toa: retinoids bôi, kháng sinh bôi/uống, thuốc ngừa thai uống (nhất thiết phải có chỉ định và sự theo dõi của bác sĩ).

       - Bác sĩ thường khuyên điều trị sớm mụn trứng cá trung bình vì nếu không sẽ hình thành sẹo.

     * Mụn trứng cá nặng: Cần phải được chỉ định điều trị tích cực và được theo dõi sát bởi các bác sĩ chuyên khoa Da Liễu.

 

                                                                                                                    BS. Huỳnh Lê Thanh Vân