PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SẸO RỔ SAU MỤN

20/01/2023

-Mụn trứng cá là một rối loạn phổ biến, liên quan đến tình trạng viêm của các đơn vị nang lông tuyến bã, có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó điều trị. Đây là bệnh da thường gặp ở nhóm tuổi thanh thiếu niên, chiếm tỉ lệ khoảng 81,8%. Sau quá trình bị mụn trứng cá, hậu quả của nó để lại về mặt thẩm mỹ khá cao nhất là liên quan đến quá trình viêm của nhân mụn không được xử lí tốt dẫn đến hình thành sẹo trong mụn trứng cá, đặc biệt là sẹo lõm, làm người bệnh kém tự tin trong giao tiếp, làm ảnh hưởng sâu sắc tới chất lượng cuộc sống và năng suất lao động.

Phân loại: 3 dạng cơ bản

   - Sẹo đáy phễu (icepick scars) hay sẹo hình chữ V: hẹp (đường kính <2 mm), sâu, bờ rõ, và lõm sâu đến lớp trung bì hoặc mô dưới da.

  - Sẹo đáy phẳng (boxcar scars) hay sẹo hình chữ U: lõm hình tròn hoặc oval với bờ rõ và dựng đứng. Sẹo loại này có bề mặt rộng hơn so với sẹo hình phễu và không hẹp dần về phía đáy sẹo. Sẹo đáy phẳng có thể nông (đáy sâu từ 0.1-0.5mm) hoặc sâu (đáy sâu ≥0.5mm) và kích thước khác nhau từ 1.5 đến 4 mm.

  - Sẹo lòng chảo (rolling scars) hay sẹo chữ M: xuất hiện do bất thường các sợi ở lớp bì của da, bề mặt da tương đối giống da bình thường và thường có đường kính rộng hơn 4-5mm. 


 

Phương pháp:

 Các phương pháp trị sẹo lõm không giống nhau trên từng đối tượng, tùy thuộc vào số lượng cũng như mức độ sẹo trên da. Để có hiệu quả điều trị sẹo lõm cao nhất, bạn nên đến các bệnh viện da liễu để được các bác sĩ khám và tư vấn phương pháp phù hợp nhất. Một số phương pháp trị sẹo lõm thường được sử dụng như:

  1. Bóc tách đáy sẹo:

      - Đây là thủ thuật đơn giản, được thực hiện bằng cách đưa đầu kim vô khuẩn (kim 18G, 20G, 23G hoặc kim Nokor) qua da vào bên dưới song song với bề mặt da nhằm cắt đứt những xơ sợi níu kéo bề mặt sẹo với mô bên dưới của da, cũng như gây chảy máu dưới da nhằm tạo khoảng trống kích thích mô tăng sinh. 

     - Thủ thuật cắt đáy sẹo rất có hiệu quả, đặc biệt là đối với sẹo lòng chảo (rolling) và sẹo  đáy phẳng nông (boxcar). 

      - Tuy nhiên phải điều trị nhiều lần và phối hợp thêm các th ủ thuật tái tạo bề mặt khác. 

  1. Tái tạo da bắng hóa chất:

     TCA CROSS sử dụng Tricloacetic acid nồng độ 50-100% để chấm lên từng nốt sẹo (sử dụng đầu tăm xỉa răng). TCA sẽ gây hoại tử đến lớp bì, từ đó kích thích quá trình lành thương và tăng sinh collagen.  

TCA có hiệu quả đối với tất cả các loại sẹo và đặc biệt có hiệu quả đối với sẹo đáy phễu (ice-pick).

Laser điều trị sẹo lõm

Có rất nhiều loại laser xâm lấn và không xâm lấn có thể được sử dụng trong điều trị sẹo trứng cá. 

IPL và laser KPT được ứng dụng trong điều trị dát đỏ sau mụn. Laser co2 fractional hoặc erbium: YAG là hai loại laser xâm lấn được ứng dụng nhiều nhất trong điều trị sẹo lõm.

Lăn kim:

  • Lăn kim là phương pháp có hiệu quả để điều trị sẹo lõm do trứng cá, được sử dụng thay thế các phương pháp trước đây như laser, lột da bằng hoá chất, mài da.
  •  Đây là phương pháp sử dụng kim lăn với những mũi kim siêu nhỏ, sắc nhọn, lăn trên bề mặt da nhằm tạo nên những kênh siêu nhỏ sâu tới trung bì, kích thích cơ thể tăng tổng hợp collagen mới.
  • Vì lăn kim chỉ thâm nhập đến lớp trung bì, nên phương pháp này hữu ích nhất đối với sẹo đáy phẳng (boxscar) và sẹo lòng chảo (rolling). 
  • Đây cũng có thể là một lựa chọn tốt cho bệnh nhân da sẫm màu vì nguy cơ tăng sắc tố thấp. 
  • Thông thường lăn kim được điều trị từ 3-5 lần, cách nhau 4 tuần và có thể thấy được hiệu quả sau 3 tháng.

Lăn kim RF: Sóng RF ban đầu được ứng dụng trong trẻ hóa da, và gần đây được ứng dụng trong điều trị sẹo lõm

  • RF siêu vi điểm còn gọi là công nghệ sóng vô tuyến RF tích hợp với lăn kim sử dụng năng lượng tập trung cao RF đi sâu vào lớp hạ bì và lớp mỡ dưới da, đồng thời qua các vi tổn thương do thiết bị lăn kim tạo nên mà không làm tổn thương lớp thượng bì của da.

  •  Sóng RF được chia thành RF đơn cực (monopolar) và RF song cực (bipolar). Thiết bị lăn kim RF là công nghệ ứng dụng RF song cực được phát ra qua từng cặp kim khi đưa vào da. Sẹo lòng chảo (rolling) và sẹo đáy phẳng (boxcar) đáp ứng tốt với lăn kim RF, các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đáp ứng điều trị cao sau 3-6 lần điều trị.

Ngoài ra còn một số phương pháp khác như PRP huyết tương giàu tiểu cầu, tiêm chất làm đầy, mài da, bấm cắt sẹo,.. 

BS Huỳnh Ngọc Thảo Vy