PRP TRONG ĐIỀU TRỊ RỤNG TÓC

25/01/2023

- Rụng tóc bao gồm một nhóm lớn bệnh lý với nhiều nguyên nhân khác nhau và có ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh cũng như người thân. Có nhiều phương pháp để điều trị rụng tóc và tùy vào từng nguyên nhân mà ta có những phương pháp thích hợp như dùng thuốc, laser, huyết tương giàu tiểu cầu,..Liệu trình điều trị sẽ tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây rụng tóc. Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) có nguồn gốc từ máu và đã được sử dụng trong nhiều năm để điều trị các bệnh về cơ xương và gần đây là các bệnh về da. Được gọi một cách thông thường là phương pháp điều trị “ma cà rồng” (sử dụng máu của chính bạn để giúp tạo ra một làn da tươi sáng, trẻ trung). Gần đây, PRP đã thu hút được sự chú ý như một giải pháp đầy hứa hẹn cho một trong những vấn đề khó khăn nhất trong da liễu: “Rụng tóc”.

a. Vậy huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là gì?

- Huyết tương giàu tiểu cầu bao gồm hai yếu tố: huyết tương (phần lỏng của máu) và tiểu cầu-một loại tế bào máu có vai trò quan trọng trong việc lành thương trên toàn cơ thể. Tiểu cầu nổi tiếng với khả năng đông máu, nhưng chúng cũng chứa các yếu tố tăng trưởng có thể kích hoạt sinh sản tế bào và kích thích tái tạo hoặc chữa lành mô ở khu vực được điều trị. Huyết tương giàu tiểu cầu đơn giản là máu chứa nhiều tiểu cầu hơn bình thường.

- Để tạo huyết tương giàu tiểu cầu, mẫu máu sẽ được lấy từ bệnh nhân và đặt nó vào một thiết bị gọi là máy ly tâm quay, tách tiểu cầu khỏi các thành phần khác của máu ra và tập trung chúng trong huyết tương.

b. Mối liên hệ giữa tiểu cầu và sự phát triển của tóc ?

- Tiểu cầu là một trong bốn thành phần chính của máu (ba thành phần còn lại là hồng cầu, bạch cầu và huyết tương). Tiểu cầu thúc đẩy sự phát triển và tái tạo tế bào. Thuật ngữ “huyết tương giàu tiểu cầu” chính là tiểu cầu thường tập trung trong PRP nhiều hơn khoảng năm lần so với máu thông thường. Nồng độ cao của tiểu cầu mang đến lợi ích vì tiểu cầu tiết ra các yếu tố tăng trưởng được cho là giúp chữa lành vết thương và tái tạo mô.

- Khi nói đến rụng tóc, giả thuyết cho rằng các tiểu cầu khi được tiêm sâu vào da đầu để đến tận đáy nang tóc, có thể kích thích một quần thể tế bào chuyên biệt có tên là tế bào nhú bì, đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của tóc.

c. Hiệu quả điều trị của phương pháp này?

- Bất kì ai bị rụng tóc đều có thể được điều trị với PRP nhưng theo nhiều nghiên cứu , phương pháp này được sử dụng tốt nhất cho những bệnh nhân rụng tóc nội tiết tố - một tình trạng ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Ở nam giới bị rụng tóc nội tiết tố có đặc điểm chung là chân tóc bị tụt xuống và tóc dần biến mất khỏi đỉnh dầu hoặc da đầu ở phía trước. Ở nữ giới, tóc sẽ rụng dần và trở nên mỏng hơn và lượng tóc sẽ rụng nhiều nhất ở vùng đỉnh đầu.

- Để có kết quả tốt nhất, sự kiên định với điều trị chính là chìa khóa. Điều trị thường được thực hiện mỗi tháng một lần trong ba đến bốn tháng đầu tiên, và sau đó cứ ba đến sáu tháng sau đó. Những kết quả ban đầu thường đạt được sau 2 đến  3 tháng, bệnh nhân thường ghi nhận là tóc giảm rụng, sau đó là tóc mọc lại sớm và tăng chiều dài tóc.

Hình ảnh bệnh nhân trước và sau điều trị rụng tóc với PRP

 

d. Rủi ro và tác dụng phụ của PRP?

- Tiêm PRP là một thủ thuật ít rủi ro và thường không gây ra tác dụng phụ lớn. Quy trình này liên quan đến việc lấy máu, vì vậy bạn nên đảm bảo rằng bạn đã đủ nước và đã ăn trước đó để tránh cảm giác choáng váng. Sau khi làm thủ thuật, bạn có thể bị đau nhức và bầm tím ở vết tiêm. Vì PRP được tạo thành từ tế bào và huyết tương của chính bạn, nên nguy cơ bị phản ứng dị ứng thấp hơn nhiều so với các loại thuốc tiêm khác như corticosteroid. Những rủi ro hiếm gặp khi tiêm PRP bao gồm: Chảy máu, tổn thương mô, sự nhiễm trùng, chấn thương dây thần kinh,…

BS. Huỳnh Ngọc Thảo Vy