Bệnh Chàm (Eczema)

14/04/2020

Bệnh chàm là một bệnh da phổ biếnCác từ “viêm da” và “chàm” nói chung được dùng như đồng nghĩa. Tuy nhiên, trong khi mọi dạng chàm đều là viêm da, nhưng không phải viêm da đều là chàm, chàm là một bệnh da không lây truyền, ngứa, viêm. Nó có thể là cấp, bán hay mạn tính.

Vì vậy, một điều cần chú ý là đứng trước một bệnh chàm cần phải phân tích rõ ràng thuộc về thể nào, khu trú vào đâu, điều tra về tiền sử, làm những thử nghiệm (test), tìm các tác nhân vật lý, hóa học, vi khuẩn… để đi đến một chẩn đoán chính xác, quyết định rõ ràng chàm thuộc thể bệnh nào, tiến triển như thế nào, yếu tố tác nhân nào gây ra là chính.

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA  BỆNH  CHÀM

1/ Viêm cấp tính:

- Do tiếp xúc với với dị ứng nguyên

- Triệu chứng lâm sàng: tùy mức độ viêm: là mảng đỏ, sưng nề trên bề mặt có những mụn nước nhỏ li ti, chứa dịch trong. Nếu cào gãi có thể dẫn đến nhiễm trùng

- Triệu chứng cơ năng: ngứa dữ dội

- Điều trị:

+  Tại chổ:

      Đắp ướt lạnh: gây co mạch và ức chế nhanh quá trình viêm và ngứa. Đắp ướt nên được thay mỗi 30 phút.

  +  Toàn thân:

      Uống corticoid : nhằm kiểm soát quá trình viêm nhah chóng

      Uống kháng histamin: giúp giảm ngứa và làm êm dịu thần kinh

      Uống kháng sinh: khi có triệu chứng nhiễm trùng như mủ, máu

2/ Chàm bán cấp:

- Triệu chứng lâm sàng: sang thương da là mảng đỏ da, thường giới hạn không rõ, trên bề mặt tróc vảy

- Triệu chứng cơ năng: có thể không ngứa đến ngứa dữ dội

- Điều trị:

  +  Tại chổ:

      Thoa corticoid: thường sử dụng trên sang thương tương đối khô

      Tacrolimus và pimecrolimus cream: thường sử dụng trên trẻ em > 2 tuổi. Đây là sản phẩm không chứa corticoid do đó không làm teo da. Có thể sử dụng corticoid vài ngày trước khi sử dụng Tacrolimus và pimecrolimus cream để kiểm soát bệnh nhanh chóng.

      Doxepin cream: sử dụng nhằm giảm ngứa cho trẻ em > 12 tuổi

      Dưỡng ẩm: Da bị viêm sẽ trở nên khô và nhạy cảm hơn, do vậy dưỡng ẩm tốt sẽ hạn chế tình trạng tái phát của bệnh.

      Kháng sinh: thoa tại chổ nếu có dấu hiệu nhiễm trùng

  +  Toàn thân

      Kháng sinh: nếu có dấu hiệu nhiễm trùng

 

3/ Chàm mạn tính:

- Triệu chứng lâm sàng: là mảng dày da, giới hạn tương đối rõ, bề mặt xù xì thô ráp, các hằn da nổi rõ

- Triệu chứng cơ năng: ngứa trung bình đến dữ dội

- Điều trị:

  +  Tại chổ:

      Thoa corticoid tại chổ: thường sử dụng 1-3 tuần

      Tiêm Kenalog 10 mg/ml trong sang thương trong trường hợp da kháng trị, có thể tiêm lặp lại sau 3-4 tuần.

 

CÁC THỂ LÂM SÀNG CỦA CHÀM:

1/ Chàm cơ địa (atopic dermatitis):

Chàm cơ địa là bệnh ngứa da mạn tính, xuất hiện từ khi còn nhỏ, có những đợt lui bệnh/ bùng phát bệnh kéo dài suốt cuộc đời. Bệnh là kết quả của sự tương tác môi trường, miễn dịch, gen và yếu tố sử dụng thuốc.

§ Viêm da cơ địa ở trẻ < 2 tuổi:

-      Thường gặp ở trẻ 2-3 tháng tuổi.

-      Sang thương da lúc đầu đỏ, ngứa, sau đó xuất hiện mụn nước li ti tập trung thành cụm trên nền da đỏ. Mụn nước vỡ ra chảy nước, thương tổn da lúc này tấy đỏ, rất dễ nhiễm trùng. Dịch chảy ra bắt đầu khô dần, đóng mài vàng nhạt, nếu có nhiễm trùng thì mài màu dày màu nâu.

-      Vị trí: má, trán, cằm, có thể lan ra tay, chân, bụng, có tính chất đối xứng.

-      Triệu chứng cơ năng: ngứa nhiều.

-       

§ Viêm da cơ địa ở trẻ em từ 2-12 tuổi:

-      Hay gặp nhất là lứa tuổi từ 2-5

-      Sang thương da cơ bản là sẩn gồ cao hơn mặt da, nhanh chóng tập trung lại tạo thành mảng, và tiến triển thành mảng da dày khi cào gãi.

-      Vị trí: mặt duỗi hay nếp gấp như khuỷa tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt. Thương tổn ở 2 bên hay đối xứng

-      Triệu chứng cơ năng : rất ngứa

 

 

§ Viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn:

-      Sang thương da cơ bản là sẩn rải rác hay tập trung thành mảng, đôi khi có mụn nước, vết xước

-      Vị trí: nếp gấp

-      Triệu chứng cơ năng: rất ngứa.

2/CHÀM NỨT NẺ (ASTEATOTIC ECZEMA)

 

-      Sang thương da cơ bản là da khô, vảy, da bị viêm,  xuất hiện những đường nứt nông trên da

-      Vị trí: bất kỳ vị trí nào, nhưng tập trung nhiều ở vùng trước bên của cẳng chân

-      Triệu chứng cơ năng: đau nhiều hơn ngứa

3/CHÀM ĐỒNG TIỀN

-      Sang thương da cơ bản là mảng đỏ da, hình tròn hay oval, đường kính 1-5 cm. Sang thương da có thể ngứa, tạo thói quen cào gãi. Mảng đỏ có thể trở nên dày và xuất hiện mụn nước trên bề mặt.

-      Vị trí: thường khu trú rõ ràng ở mặt duỗi của chi (mặt trước cẳng chân, tay, mu bàn chân bàn tay)

 

 

4/CHÀM Ứ ĐỘNG

-      Thường đi kèm với các dấu hiệu  tăng áp lực tĩnh mạch như giãn tĩnh mạch, phù mạn tính, loét tĩnh mạch, tích tụ hemosiderin, viêm mô mỡ xơ hóa

-      Vị trí: chi dưới

 

 

5/CHÀM TIẾT BÃ

Liên quan đến sự hoạt động quá mức của tuyến bã, bất thường chất bã và nhiễm chủng Malassezia furfur

-      Xuất độ ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh (đỉnh cao ở tuổi 18 -40) và ở trẻ con. Ở trẻ dưới 1 tuổi xuất hiện dưới dạng “cứt trâu. Chàm tiết bã thường xấu đi vào mùa đông ở các xứ lạnh.

-      Chàm tiết bã ở trẻ con: 

Xuất hiện lúc trẻ còn rất nhỏ, thường 1 tuần sau sanh và có thể kéo dài vài tháng sau đó. Đầu tiên trên đầu như một phát ban vẩy màu vàng dày (“cứt trâu” hay “vẩy nôi”). Sau đó có thể xuất hiện ở vùng sau tai, cổ, nách, háng, vùng quấn tã, mặt và thân mình.

Courtesy of Robert Hartman MD.

Chàm tiết bã ở người lớn:

Chàm da mỡ có khuynh hướng trải rộng ra khỏi mí tóc đến mặt tạo “Vòng hoa tiết bã”, có thể lan đến nếp sau tai. Thương tổn điển hình là các sẩn có vảy mịn. Các đường nứt có thể phát triển trên các hõm giữa tai và da đầu. Khi mặt bị tổn thương viêm mí mắt là thông thường, thường có tróc vảy trên hồng ban ở mí mắt, nếp mũi môi và vùng râu.

 

6/CHÀM TIẾP XÚC

- Viêm da tiếp xúc là phản ứng của cơ thể với các tác nhân bên ngoài. Viêm da tiếp xúc có thể phân thành những loại sau: viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng.

 

 

- Tổn thương cơ bản là da đỏ xung huyết, hơi nề, trên bề mặt có mụn nước, xuất hiện ở vùng tiếp xúc, có khi in rõ hình vật tiếp xúc (hình quai dép, dây đồng hồ, kính đeo mắt...) ,có thể có hình thái mãn tính khô dày cộm có vảy.

- Viêm da tiếp xúc kích ứng

Viêm da tiếp xúc kích ứng cấp tính: thường là hậu quả của 1 lần tiếp xúc quá nhiều hoặc một vài lần tiếp xúc ngắn với chất kích ứng mạnh hoặc chất ăn mòn

Viêm da tiếp xúc kích ứng mạn tính: xảy ra sau tiếp xúc lặp lại với chất kích ứng yếu hơn. Chất kích ứng có thể là chất tẩy rửa, dung môi hữu cơ, xà phòng, axit yếu và chất kiềm, nhiệt, bột, bụi..

- Viêm da tiếp xúc dị ứng: liên quan đến độ nhạy cảm của hệ thống miễn dịch với dị nguyên đặc hiệu

 

 

 

 

 

ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Ngọc