THUỐC SINH HỌC ĐIỀU TRỊ BỆNH VẢY NẾN

08/06/2021

1. Tổng quan bệnh vảy nến:

a. Bệnh vảy nến là gì:

    Bệnh vảy nến là một bệnh viêm da mãn tính rất phổ biến. Theo thống kê, có khoảng 2-3 % dân số thế giới mắc phải bệnh này. Ở trạng thái bình thường, các tế bào da cũ sau khi chết đi sẽ bong ra và được thay thế bởi các tế bào da mới. Nhưng đối với bệnh nhân mắc vảy nến, quá trình trên diễn ra nhanh gấp 10 lần do hiện tượng tăng sinh tế bào, khiến các tế bào da cũ và mới không kịp thay đổi, tích tụ lại một chỗ tạo thành những mảng dày, có vảy trắng.Bệnh biểu hiện ở da, móng, khớp… Người mắc bệnh vảy nến không những có cảm giác đau đớn, ngứa ngáy mà còn chịu nhiều ảnh hưởng về mặt tâm lý khi có thể bị mọi người xung quanh xa lánh. Hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh vảy nến đang ngày càng gia tăng với nhiều dạng bệnh khác nhau. Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm.

b. Nguyên nhân bệnh vảy nến:

 -  Nguyên nhân bệnh vảy nến đến nay vẫn chưa được các nhà khoa học chứng minh rõ ràng nhưng có một điều chắc chắn là bệnh này có liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và dấu ấn của cytokine. Theo đó, các tế bào lympho T trong cơ thể bệnh nhân có thể nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh là kẻ thù và tấn công, làm chúng bị tổn thương. Các yếu tố được cho là thuận lợi giúp gây ra bệnh bao gồm:

 - Yếu tố di truyền: Có 2 kiểu bệnh rõ ràng trong vảy nến: kiểu khởi phát sớm và kiểu khởi phát muộn. Vảy nến khởi phát sớm thường bắt gặp ở độ tuổi từ 16 đến 22. Kiểu này có diễn tiến bất ổn và khuynh hướng lan rộng toàn thân, được xác định là có liên quan chặt chẽ tới yếu tố di truyền. Trái lại, kiểu vảy nến khởi phát muộn thường gặp ở độ tuổi từ 57 đến 60. Kiểu này thường nhẹ hơn, khu trú hơn và có ít liên quan đến yếu tố di truyền.

 - Yếu tố ngoại sinh: Sinh bệnh học của vảy nến có thể chịu tác động của yếu tố môi trường. Các yếu tố ngoại sinh làm khởi phát bệnh ở những người có sẵn yếu tố di truyền tiềm tàng hoặc làm bệnh nặng thêm:

   + Chấn thương

   + Stress kéo dài

   + Bỏng nắng

   + Phẫu thuật

   + Dùng thuốc: một số loại thuốc như corticosteroid, beta blockers,... nếu sử dụng một thời gian dài sẽ có thể gây bệnh vảy nến

   + Nhiễm trùng da

2. Triệu chứng bệnh vảy nến:

   - Triệu chứng bệnh vảy nến nói chung là xuất hiện những mảng dày, đỏ được bao phủ bởi các vảy trắng hoặc bạc. Bên cạnh đó, tuỳ thuộc vào vị trí xuất hiện và đặc điểm của các tổn thương, các triệu chứng riêng biệt theo từng dạng bệnh có thể kể đến như sau:

   + Vảy nến thể mảng (vảy nến mảng bám): xuất hiện các mảng da đỏ ở khuỷu tay, đầu gối và vùng dưới lưng.

   + Vảy nến mụn mủ: xuất hiện mụn mủ ở các vùng da tay và chân.

   + Vảy nến thể giọt: khắp cơ thể xuất hiện các tổn thương có dạng giọt nước. Loại này thường gặp ở trẻ em sau khi bị viêm họng do nhiễm streptococci.

   + Viêm khớp vảy nến: có hiện tượng sưng ở các khớp ngón tay, ngón chân hoặc xương sống, đầu gối.

   + Vảy nến móng tay, móng chân: móng dày và xuất hiện những lỗ nhỏ trên bề mặt.

   + Vảy nến da đầu: xuất hiện những mảng da dày màu trắng bạc trên đầu.

   + Vảy nến nếp gấp (vảy nến đảo ngược): xuất hiện tổn thương ở các vùng nếp gấp của da như: nách, háng, mông,..Loại này thường gặp ở những người béo phì.

3. Phương pháp điều trị bệnh vảy nến:

  - Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có biện pháp nào điều trị dứt điểm bệnh vảy nến. Mục tiêu chính của các biện pháp điều trị là giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh. Do vậy người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Các phương pháp điều trị có thể kể đến như sau:

    + Điều trị tại chỗ: thường được sử dụng cho các trường hợp bệnh nhẹ hoặc trung bình, có thể được kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị. Các loại thuốc thường được sử dụng thoa tại chỗ như: corticosteroid, retinoid, hắc ín, anthralin, acid salicylic, dẫn xuất vitamin D3, ức chế calcineurin.

    + Điều trị toàn thân: thường được sử dụng trong các trường hợp bệnh vảy nến nặng. Các thuốc thường được bác sĩ chỉ định bao gồm: methotrexate, cyclosporine và sulfasalazine.

    + Quang trị liệu: phương pháp này sử dụng tia sáng như tia UVA, UVB, laser để điều trị vảy nến. Các tia tử ngoại (tia UV) sẽ tấn công và gây tổn thương các DNA trong tế bào, từ đó tiêu diệt các tế bào ở vùng da bị tổn thương.

    + Sử dụng thuốc sinh học có tác dụng ức chế những thành phần chuyên biệt trong đáp ứng miễn dịch.

4. Thuốc sinh học trong điều trị bệnh vảy nến:

  - Trong những năm gần đây, liệu pháp sinh học (Biotherapy) đã ra đời và được áp dụng để trị bệnh, đặc biệt cho bệnh nhân vảy nến thể mảng và viêm khớp vảy nến.

  - Nhiều hợp chất sinh học đã được tổng hợp có tác dụng tốt trong điều trị như Etanercept, Alefacept, Efalizumab, infliximab, ustekinumab, secukinumab, … Nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc… đã áp dụng phương pháp này và đạt kết quả tốt nhưng do chi phí cao nên chưa phổ biến rộng

  - Thuốc sinh học hoạt động theo cách chọn lọc hơn bằng cách nhắm mục tiêu các protein cụ thể trong hệ thống miễn dịch được chứng minh liên quan đến bệnh vảy nến. Vì lý do này, chúng ít tác dụng phụ hơn các phương pháp điều trị hiện có.

  - Người bệnh khi được điều trị với thuốc sinh học sẽ có sự cải thiện đáng kể sang thương da – khớp cũng như các tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh đồng mắc với vảy nến. Hiện tại, một số thuốc đã có thể giảm hoàn toàn sang thương da, người bệnh lấy lại được hình ảnh thẩm mỹ, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

  - Tuy thuốc sinh học vẫn có thể gây ra tác dụng phụ, nhưng xu hướng ít nghiêm trọng hơn. Tác dụng phụ tại chỗ phổ biến nhất là kích ứng nhỏ, đỏ, đau hoặc phản ứng tại vị trí tiêm. Các tác dụng phụ toàn thân sẽ được sàng lọc và theo dõi bằng xét nghiệm cũng như biểu hiện lâm sàng chặt chẽ trong suốt thời gian điều trị.

5. Những trường hợp bị vảy nến có thể sử dụng thuốc sinh học điều trị:

  - Sự ra đời của thuốc sinh học được xem là một bước tiến mới trong điều trị bệnh vảy nến nói riêng và các bệnh liên quan đến hoạt động của hệ miễn dịch nói chung. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp dùng loại thuốc điều trị mới này. Cụ thể, nó chỉ được sử dụng cho các trường hợp sau:

     + Mức độ bệnh từ trung bình đến nặng. Cụ thể, trường hợp được xác định bệnh ở mức độ trung bình khi vùng da bị vảy nến chiếm từ 3 – 10% cơ thể. Nếu tỷ lệ này quá 10% thì được xếp vào trường hợp nặng;

     + Tuyệt đối không dùng thuốc sinh học cho người từng bị ung thư, người bị nhiễm trùng do bệnh lao và người bị suy yếu hệ miễn dịch do bệnh HIV,viêm gan siêu vi B mạn tính thể hoạt động, viêm gan C, gần đây được tiêm vắc-xin sống như bệnh zona, MMR (sởi, quai bị và rubella) hoặc cúm mùa…

     + Chống chỉ định thuốc sinh học cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú;

     + Thận trọng khi dùng cho đối tượng là trẻ em.

     + Bệnh nhân mẫn cảm với thuốc hay bất kỳ thành phần nào của thuốc

6. Thuốc sinh học Secukinumab điều trị bệnh vảy nến ở BV Da Liễu Cần Thơ:

  - Secukinumab sẽ ức chế hoạt động của interleukin-17A ( IL-17A). Theo đó, IL-17A là nhóm cytokine tiền viêm được sản sinh từ tế bào trong hệ thống miễn dịch. Chúng tăng sinh số lượng lớn khi cơ thể người xuất hiện tình trạng viêm mãn tính.Secukinumab can thiệp bình thường hóa mô da, nhắm mục tiêu vào các IL-17A. Do đó, kể từ năm 2015, Secukinumab đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn trong việc điều trị bệnh vảy nến. Đặc biệt đối với các bệnh nhân ở thể trung bình cho đến vảy nến nặng.

  - Hiện nay, thuốc sinh học Secukinumab được sử dụng chủ yếu với dạng tiêm. Thuốc sẽ được tiêm trực tiếp vào dưới da của người bệnh. Liều điều trị đối với người lớn là 300mg/ lần, 5 tuần liên tục (tuần 0, 1, 2, 3, 4). Sau đó mỗi 4 tuần tiêm nhắc lại.

  - Tiêm thuốc sinh học Secukinumab điều trị bệnh vảy nến mang lại hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc có thể làm ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Đồng thời, người bệnh cũng có nhiều nguy cơ gặp tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, để đảm bảo hiệu quả và an toàn điều trị, bệnh nhân nên tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

 

BS. CKI. Trần Hồng Chi