BỆNH GIANG MAI

13/05/2021

Bệnh Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp, quan trọng hàng thứ nhì sau AIDS, bệnh có thể điều trị khỏi nhưng cần điều trị cả người bệnh và bạn tình để hạn chế khả năng tái phát và lây lan bệnh. Ở Việt Nam, theo thống kê hàng năm, bệnh Giang Mai chiếm khoảng 2-5% trong tổng số các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

1. Bệnh Giang Mai là gì?

 - Bệnh giang mai hay còn được gọi là bệnh “Tiêm la” là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Bệnh có thể gây thương tổn ở da- niêm mạc và nhiều cơ quan khác của cơ thể như cơ, khớp, tim và thần kinh. Bệnh gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

2. Giang mai lây truyền như thế nào?

  - Bệnh Giang mai lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục (đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng) tỷ lệ nhiễm giang mai qua một lần quan hệ tình dục là 30%.Lây do truyền máu hoặc dùng chung bơm kim tiêm.Lây từ mẹ sang con.

  - Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn khuẩn, hoặc lây qua các vết xước qua da-niêm mạc.

3. Triệu chứng lâm sàng của giang mai:

Tùy theo thời gian mắc bệnh mà có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp của giang mai là:

- Giang mai thời kỳ I:Có một hay nhiều vết lở (loét) không đau trên bộ phận sinh dục hoặc miệng, hậu môn hoặc trực tràng. Xuất hiện hiều hạch vùng lân cận sau khi có vết lở (loét). Vết loét kéo dài 3 đến 6 tuần và tự biến mất. Tuy nhiên, nếu không điều trị, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn kế tiếp.

- Giang mai thời kỳ II. Phát ban trên tay và chân hoặc trên các bộ phận khác của cơ thể. Những vết phát ban thường có màu đỏ, hồng hoặc nâu, có vảy hoặc không và thường không ngứa. Rất dễ chuẩn đoán nhầm với một số bệnh lý về da khác như vảy nến, trứng cá,… Một số biểu hiện khác như: Rụng tóc lan tỏa, viêm mống mắt, đau nhức xương cơ đùi về đêm, biểu hiện thần kinh (đau, nhức đầu).

   + Giai đoạn tiềm ẩn:Không có triệu chứng nhưng có thể phát hiện bệnh bằng xét nghiệm huyết thanh giang mai. Giai đoạn này có thể kéo dài nhiều năm. 

- Giang mai thời kỳ III.Giai đoạn này bắt đầu từ năm thứ 3 hoặc sau vài chục năm khi các thương tổn giang mai bị quên lãng. Những triệu chứng có thể bao gồm khó cử động tay, chân, liệt, tê cứng, mù mắt và bệnh tim. Đôi khi là những u cục trứng dưới da, to dần, mềm và vỡ ra để lại sẹo.

4. Nguyên tắc điều trị giang mai:

  - Bệnh giang mai có thể đều trị hết tuy nhiên sau khi đã điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân vẫn có thể tái mắc bệnh nếu tiếp xúc lại với vi khuẩn.

  - Vì vậy,điều trị sớm và đủ liều để khỏi bệnh và ngăn chặn lây lan, đồng thời đề phòng tái phát và di chứng của bệnh. Điều trị đồng thời cho cả bạn tình của người bệnh. Kháng sinh Penicillin là thuốc lựa chọn đầu tay và đến nay chưa có trường hợp nào xoắn khuẩn giang mai kháng penicillin.

5. Phòng ngừa lây nhiễm bằng cách nào?

 - Nên chung thủy, chỉ có một bạn tình. Ngoài ra, bạn có thể phòng ngừa lây nhiễm giang mai bằng cách quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không quan hệ tình dục khi đang điều trị bệnh. Sử dụng bơm tiêm đúng cách, cũng như an toàn truyền máu. Đặc biệt nên xét nghiệm huyết thanh giang mai trước khi có ý định mang thai để tránh nguy cơ cho bào thai.

6. Giang mai và mang thai:

 - Khi mang thai, giang mai có thể lây từ mẹ sang con sau tháng thứ 3 và thường xảy ra vào tháng thứ 4-5 của thai kỳ. Phụ nữ mắc giang mai có nguy cơ lây truyền cho con qua nhiều năm nếu không được điều trị.

 - Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào bào thai mà trẻ có thể có những biểu hiện như: Xảy thai hoặc chết lưu, đẻ non. Nếu nhẹ hơn, em bé mới sinh sẽ bình thường sau đó dần biểu hiện các triệu chứng sau vài ngày hoặc vài tháng là giang mai bẩm sinh sớm với các biểu hiện như phỏng nước, bong vảy lòng bàn tay, chân, giả liệt “Parrot”… Hoặc giang mai bẩm sinh muộn xảy ra khi trẻ trên 2 tuổi với nhiều triệu chứng nặng nề hơn như: viêm giác mạt có thể dẫn đến mù lòa, điếc, hoặc di chứng như: thủng vòm miệng, mũi tẹt, xương chày lưỡi kiếm…