SÙI MÀO GÀ

12/05/2021

Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp, có thể điều trị khỏi nhưng tỉ lệ tái phát cao, cần điều trị cả người bệnh và bạn tình để hạn chế khả năng tái phát bệnh.

1. Sùi mào gà là gì?

    - Sùi mào gà (genital warts) hay còn gọi là hạt cơm sinh dục, mụn cơm là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (STIs) hay gặp, do HPV (Human Papilloma virus – virus sinh u nhú ở người) gây ra.

    - Hiện nay người ta đã phát hiện có hơn 170 type virus HPV khác nhau, trong đó có khoảng 40 type gây bệnh ở bộ phận sinh dục. Các type virus khác nhau sẽ gây bệnh ở các vùng da, niêm mạc khác nhau.

 

2. Sùi mào gà lây truyền như thế nào?

   - Sùi mào gà lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục (sinh dục-sinh dục, hậu môn-sinh dục, sinh dục-miệng), dùng chung đồ chơi tình dục (sextoy) và mẹ truyền sang con (khi sinh qua ngã âm đạo). Hiện tại chưa có nhiều bằng chứng ghi nhận lây gián tiếp qua tiếp xúc với đồ dùng chung như khăn tắm, áo quần, … với người bệnh. Cần lưu ý rằng sùi mào gà có thể lây khi đang có sùi ở da hoặc không có biểu hiện lâm sàng.

3. Triệu chứng của sùi mào gà là gì?

    - Tùy vào thời gian mắc bệnh và sức đề kháng của cơ thể, có thể có các triệu chứng sau:

  • Nổi những nốt sùi màu hồng hoặc màu xám ở bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc ở miệng.
  • Nhiều mụn nhỏ nằm sát nhau có hình hình bông cải (bông súp lơ, mào gà).
  • Bộ phận sinh dục ngứa và khó chịu.
  • Chảy máu khi quan hệ tình dục.

     - Nếu bạn có 1 trong các triệu chứng trên hoặc bạn tình đang mắc sùi mào gà thì nên đến gặp bác sĩ Da liễu để khám và cho các xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

4. Điều trị sùi mào gà như thế nào?

    - Sùi mào gà có thể điều trị khỏi nhưng tỉ lệ tái phát cao. Hiện nay không có thuốc loại virus HPV gây khỏi cơ thể và mục tiêu điều trị bệnh là phá hủy tổ chức sùi, tăng cường miễn dịch toàn thân và tại chỗ để diệt virus.

    - Các phương pháp điều trị hiện nay là:

  • Bôi các thuốc phá huỷ các tổ chức sùi và tăng cường miễn dịch: Podophylotoxin, Fluorouraein, Imiquimod. Bôi 1-3 lần/tuần trong vài tuần, tác dụng phụ là đau, kích ứng, nóng rát.
  • Phá hủy tổ chức sùi bằng Laser CO2, Plasma, nitơ lỏng (áp lạnh). Quá trình điều trị đòi hỏi lặp lại nhiều lần, tác dụng phụ có thể gây đau hoặc để lại sẹo.
  • Nếu khối sùi lớn phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Cần chú ý theo dõi sau điều trị để đánh giá khả năng tái phát bệnh.

5. Phòng ngừa lây nhiễm bằng cách nào?

      - Bạn có thể phòng ngừa lây nhiễm sùi mào gà bằng cách quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không dùng chung đồ chơi tình dục (sextoy), không quan hệ tình dục khi đang điều trị sùi mào gà.

6. Sùi mào gà và ung thư

      - Sùi mào gà không phải là bệnh ung thư và bệnh không gây ung thư. Tuy nhiên, nhiễm HPV có liên quan mật thiết đến chuyển dạng tế bào và ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung, âm hộ âm đạo ở nữ giới, ung thư hậu môn, niêm mạc miệng.

      - Một số type HPV có khả năng gây ung thư cao như: 16, 18, 26, 31, 33, 35, ... Do đó, khi mắc sùi mào gà, bạn sẽ được tư vấn xét nghiệm định type (genotye) HPV để theo dõi khả năng ung thư về lâu dài.

7. Sùi mào gà và mang thai

      - Khi mang thai, sùi mào gà có thể xuất hiện lần đầu tiên hoặc tái phát sau thời gian dài không xuất hiện. Bệnh có thể phát triển nhanh, gây sùi mào gà khổng lồ.

      - Hầu hết phụ nữ mang thai mắc sùi mào gà đều có thể sinh qua ngã âm đạo, tuy nhiên virus HPV có thể truyền sang bé và gây nhiễm trùng hầu họng hoặc bộ phận sinh dục. Một số trường hợp sùi to, khổng lồ hoặc để hạn chế khả năng lây cho bé, bạn có thể được đề nghị sinh mổ, tùy vào hoàn cảnh và tình trạng bệnh.

Cần lưu ý là điều trị sùi mào gà cần phát hiện sớm và điều trị cả bạn tình để hạn chế tái phát bệnh. Hiện Bệnh viện Da liễu thành phố Cần Thơ có đầy đủ các xét nghiệm và phương pháp để chẩn đoán và điều tị bệnh với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm.

 

Ths. Bs. Nguyễn Thị Lệ Quyên