CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SẸO LÕM

11/03/2021

Hơn 95% bệnh nhân mụn trứng cá có sẹo lõm trung bình và nhẹ, trong đó có hơn 30% mắc sẹo mức độ nặng.

Sẹo lõm do trứng cá là một vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Sẹo lõm không chỉ làm mất thẩm mỹ còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và tâm lý của người mắc sẹo. Sẹo do trứng cá thường là hậu quả của quá trình điều trị mụn không đúng cách và/hoặc điều trị chậm trễ. Khi đó, quá trình viêm kéo dài, gây tổn thương mô xung quanh, thiếu hụt collagen làm thay đổi cấu trúc da, gây xơ hóa và hình thành sẹo.

 

1. Phân loại sẹo do trứng cá

- Sẹo do trứng cá được phân thành sẹo quá phát (nhô cao trên bề mặt da) và sẹo lõm (lõm xuống dưới bề mặt da). Sẹo lõm lại được phân thành sẹo đáy nhọn, đáy hộp hoặc lòng chảo tùy thuộc vào hình dạng sẹo, đường kính và kích thước sẹo

- Sẹo Icepick hay còn gọi sẹo đáy nhọn: là sẹo khá phổ biến. Sẹo có dạng lỗ sâu và hẹp, giống như có vật nhọn đâm mạnh vào da, để lại những lỗ sâu. Sẹo thường có đường kính không quá 2mm và sâu hơn 0.5mm. Nếu sẹo đáy nhọn nông hơn thì thường bị hiểu nhầm thành tình trạng lỗ chân lông to.

    Hình 1: Phân loại sẹo do trứng cá

- Đối bằng và nông. Sẹo thường có góc cạnh thẳng đứng, đường kính từ 2 đến 4mm và sâu khoảng 1.5mm. Sẹo thường được tìm thấy hai bên má và thái dương.

- Sẹo Rolling hay sẹo lòng chảo là loại sẹo có miệng rộng hơn sẹo đáy nhọn. Sẹo lõm xuống theo dạng hố tròn và tương đối sâu. So với sẹo đáy nhọn và sẹo đáy hộp, sẹo lòng chảo thường rộng và nông hơn một chút. Nhìn tổng thể, sẹo thường làm cho làn da trông giống như có những vết lượn sóng.

2. Các phương pháp điều trị sẹo do trứng cá

Điều trị sẹo phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm sự đáp ứng của mỗi người, tính chất các loại sẹo và chi phí. Hiện nay, với sự xuất hiện của nhiều phương pháp mới mang lại hiệu quả điều trị sẹo tốt hơn và an toàn hơn.

- Laser điều trị sẹo lõm: phương pháp này có hiệu quả đối với sẹo lòng chảo. Có thể dùng các loại laser xâm lấn như laser CO2 Fractional, Erbium YAG phá hủy phần mô bị tổn thương bằng cách đốt nóng, bay hơi, sau đó mô mới sẽ được tái tạo. hoặc sử dụng IPL, Nd: YAG để tái tạo bề mặt da không xâm lấn.

- Peel điểm TCA (TCA CROSS): sử dụng Tricloacetic acid nồng độ 50-100% chấm lên từng nốt sẹo để phá hủy lớp thượng bì nông, chủ yếu là sẹo đáy nhọn. Phần da này sẽ được tái tạo và đẩy nhanh quá trình sửa chữa, phục hồi.

- Làm đầy bề mặt sẹo: sử dụng các chất làm đầy (Filler) để bù đắp cho thể tích mô bị thiếu hụt của sẹo, có thể tiêm trực tiếp bên dưới sẹo đáy nhọn hoặc đáy hộp. Filler thường phối hợp với cắt đáy sẹo để mang lại hiệu quả làm đầy sẹo tốt hơn.

- Lăn kim: dùng những đầu kim nhỏ châm vào thượng bì sâu khoảng 1,5-2 mm, tạo những vi vết thương. Sau đó, nhờ quá trình lành thương tạo collagen mới. 

- Cắt bỏ và bóc tách dưới da (cắt đáy sẹo): sử dụng kim vô khuẩn hoặc kim chuyên dụng (Nokor) để giải phóng các sợi xơ của sẹo đáy hộp, cũng như gây chảy máu dưới da nhằm tạo khoảng trống kích thích mô tăng sinh. Trong vài tuần, sẹo lõm sẽ đầy dần, không tổn thương lớp thượng bì.

Đối với phương pháp lăn kim và cắt đáy sẹo, việc phối hợp với huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) chứa nhiều yếu tố tăng trưởng giúp quá trình tăng sinh và làm đầy đáy sẹo diễn ra nhanh hơn. Thông thường lăn kim/tách đáy sẹo và PRP được điều trị từ 3-5 lần, cách nhau 4 tuần và có thể thấy được hiệu quả sau 1-2 tháng.

3. Kết luận

Tóm lại, không có phương pháp điều trị sẹo nào tối ưu cho mọi loại sẹo và hầu hết mọi người đều bị đồng thời hai hoặc cả ba loại sẹo trên mặt. Do đó để tối đa hóa hiệu quả điều trị sẹo lõm cần phải kết hợp hai hoặc nhiều phương pháp.

Các kỹ thuật trên đều được bệnh viện Da liễu TP. Cần Thơ triển khai đầy đủ, thực hiện vào các ngày trong tuần, bào gồm cả thứ 7 và chủ nhật với đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm.

Ths.Bs Nguyễn Thị Lệ Quyên

Tài liệu tham khảo

1.Bhargava, S., Cunha, P. R., Lee, J., & Kroumpouzos, G. (2018), “Acne Scarring Management: Systematic Review and Evaluation of the Evidence”, American Journal of Clinical Dermatology, 19(4), pp. 459–477.

2.Tim Mitchell, Alison Dudley (2002), "The Physical scars", Acne: The at Your Fingertips Guide, pp. 73-99.

3.Zaenglein, A. L., et al. (2016), "Guidelines of care for the management of acne vulgaris", J Am Acad Dermatol, 74(5), pp. 945-73.