LÀM SAO ĐỂ KIỂM SOÁT TỐT BỆNH VẢY NẾN?

28/05/2021

    Vảy nến là một bệnh lý da mạn tính rất thường gặp. Bệnh có thể không chữa khỏi hoàn toàn tuy nhiên vẫn có thể điều trị để kiểm soát tốt biểu hiện và diễn tiến của bệnh. Chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát và quản lí tốt bệnh vảy nến.

    Vậy để làm sao có thể điều trị cũng như kiểm soát tốt bệnh vảy nến thì bệnh nhân cần nắm rõ các vấn đề sau đây:

      1. Bệnh vảy nến là gì?

      2. Nguyên nhân gây bệnh vảy nến ?

      3. Biểu hiện lâm sàng của bệnh 

      4. Các phương pháp điều trị bệnh hiên nay 

      5. Chế ăn uống và sinh hoạt của bệnh nhân 

1. Bệnh vảy nến là gì ?

  - Bệnh vảy nến là một trong những bệnh da mạn tính rất thường gặp, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi trong đó có cả trẻ em. Đối với trẻ em, tuổi trung bình khỡi phát bệnh là từ 7 đến 10 tuổi.

  - Hiện nay, bệnh vảy nến được coi là một bệnh lý viêm có tính hệ thống, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh có thể không điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát để bệnh ổn định và không bùng phát.

2. Nguyên nhân của bệnh vảy nến

  - Cho đến nay thì nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vảy nến vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chính của bệnh là sự phối hợp tương tác của 3 yếu tố : DI TRUYỀN- MIỄN DỊCH- MÔI TRƯỜNG.

  - Ngoài ra, bệnh còn chịu sự tác động của các yếu tố bên ngoài làm khởi phát hoặc làm bệnh nặng thêm như : stress, chấn thương, rượu bia, hút thuốc lá, thời thiết khô lạnh, nhiễm trùng, sử dụng thuốc có chứa corticoid, các rối loạn chuyển hóa.

3. Biểu hiện của bệnh vảy nến là gì ?

  - Triệu chứng của bệnh là những mảng da dày gồ lên bề mặt da, giới hạn rõ với vùng da xung quanh, bong vảy khô, màu trắng hoặc đục, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào, nhưng thường gặp thân mình, tay chân, da đầu,…. Hoặc những vùng da thường xuyên bị tì đè hay cọ xát.

  - Ngoài các biểu hiện ở da, bệnh vảy nến có thể bị sưng và đau khớp ( viêm khớp), biểu hiện ở móng như dày sừng dưới móng, tách móng, vàng móng, móng xù xì, rỗ móng,…

4. Các phương pháp điều trị hiện nay là gì ?

  - Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến, lưa chọn phương pháp điều trị cần cân nhắc về tuổi, thể  bệnh, vị trí thương tổn, diện tích da bệnh, các phương pháp và thuốc đã dùng và điều kiện kinh tế của bệnh nhân.

 - Thuốc bôi tại chỗ bao gồm : thuốc thoa steroid, dẫn xuất vitamin A ( Tazarotene), dẫn xuất vitamin D( calcipotriol, tacalcitol và calcitriol), thuốc ức chế calcineurin, dưỡng ẩm..

  - Thuốc toàn thân như : methotreaxate, acitretin, cyclosporin A, và đặc biệt là các thuốc sinh học.Hiên nay, thuốc sinh học được xem là phương pháp ‘đột phá’ và hiệu quả nhất trong điều trị bệnh vảy nến, là một phương pháp điều trị an toàn, ít tác dụng phụ, kiểm soát nhanh và lâu dài các tổn thương vảy nến.

  - Có thể kết hợp một số phương pháp quang trị liệu như chiếu UVB, UVA, laser Excimer, laser nội mạch.

5. Chế độ ăn uống và sinh hoạt của bệnh nhân như thế nào ?

  - Ngoài việc tuân thủ điều trị của bác sĩ thì chế độ ăn uống và sinh hoạt của bệnh nhân vảy nến cũng rất quan trọng. Người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng, trong đó nên bổ sung nhiều thực phẩm chống oxy hóa, acid béo omega-3, kẽm, acid folic, beta caroten, đạm,…

  - Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều tinh bột, đường, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, các thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn, trái cây họ cam quýt,…

  - Hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, kiểm soát tốt yếu tố stress, nên tập thể dục thể thao thường xuyên.

  - Bệnh nhân vảy nến không nên tự ý sử dụng thuốc ( đặc biệt các loại thuốc uống thuốc bôi không rõ nguồn gốc), cần tuân thủ điều trị của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn.

  - Hiện nay,  Bệnh viên Da liễu Thành phố Cần Thơ đã triển khai phòng khám chuyên khoa vảy nến, nhằm thực hiện khám và tư vấn chuyên sâu cũng như để quản lý toàn diện bệnh nhân vảy nến. Bệnh nhân đến khám sẽ được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn phương pháp điều trị, theo dõi và kiểm soát tốt bệnh vảy nến.

Bs. Trương Diệu Hiền