BÉ BỊ CHÀM SỮA BA MẸ NÊN CHĂM SÓC NHƯ THẾ NÀO?

04/03/2021

I. VIÊM DA CƠ ĐỊA HAY CÒN GỌI LÀ CHÀM SỮA Ở TRẺ NHỎ LÀ GÌ?
 

Viêm da cơ địa là tình trạng da thường gặp, đặt trưng bởi viêm da mạn tính, hay tái phát và ngứa. Thường gặp ở trẻ em, 95% ổn định sau 2 tuổi, 5% chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn. 

Viêm da cơ địa ở trẻ < 2 tuổi hay còn gọi là chàm sữa. Thường gặp lúc trẻ 2-3 tháng tuổi. Bệnh nặng hơn vào mùa lạnh hoặc khi ra mồ hôi nhiều, đặc trưng bởi tình trạng mụn nước tập trung thành đám trên nền dát đỏ, chảy dịch nhiều ở 2 má, trán, cằm, có tính chất đối xứng

Hình 1. Vị trí thường bị chàm sữa ở trẻ ( Nguồn: KidsHealth)

Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ngứa nhiều có thể làm trẻ mất ngủ, việc tái phát, điều trị lâu dài ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ. Chính vì vậy, trẻ bị viêm da cơ địa cần được điều trị, chăm sóc phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu và hạn chế các đợt bùng phát của bệnh. 

II.NGUYÊN NHÂN

Mặc dù là bệnh da lành tính nhưng viêm da cơ địa có cơ chế rất phức tạp. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này.

Tuy nhiên qua nghiên cứu về di truyền và mô bệnh học, viêm da cơ địa được xác định là có liên quan đến yếu tố sau:

- Yếu tố di truyền 60% người bị viêm da cơ địa có con cũng bị bệnh này. Nếu cả bố mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh

- Chức năng bảo vệ da suy giảm. Trẻ mắc chàm sữa có hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, các tác nhân bên ngoài dễ dàng xâm nhập vào trong da gây viêm da, kích ứng da, nước trong da thoát ra ngoài quá mức gây khô da. Hậu quả là xuất hiện các triệu chứng bệnh như khô da, ngứa, đỏ.

- Yếu tố môi trường làm bệnh khởi phát và nặng lên: dị nguyên như bọ, bụi nhà, lông thú, thức ăn ( trứng, sữa, lạc, bột mì); tiêm vaccine; khí hậu hanh khô; điều kiện vệ sinh; sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa.

III. CHẨN ĐOÁN

Dựa theo tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka (1980). Để chẩn đoán viêm da cơ địa cần có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính + ít nhất 3 tiêu chuẩn phụ.

- 4 tiêu chuẩn chính:

1. Ngứa (Itching).

2. Viêm da mạn tính và tái phát (Chronic or chronically relapsing dermatitis).

3. Hình thái và vị trí thương tổn điển hình (Typical distribution and morphology of AD rash).

– Trẻ em: Chàm khu trú ở mặt, vùng duỗi.

– Trẻ lớn và người lớn: Dày da, Lichen vùng nếp gấp.

4. Tiền sử cá nhân hay gia đình có bệnh cơ địa dị ứng (Personal or family history of atopic diseases) như hen, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa.

- Các tiêu chuẩn phụ: sẽ được đề cập cụ thể trong các bài viết sau

IV.ĐIỀU TRỊ

- Tại chỗ: Dưỡng ẩm, corticoid bôi, thuốc ức chế calcineurin, loại bỏ yếu tố kích thích, tắm, sữa tắm

- Toàn thân: chỉ định trong trường hợp tổn thương nặng hoặc kháng trị. Dùng corticoid khi thật sự cần thiết, kháng sinh khi có bội nhiễm, kháng histamin.

V.CHĂM SÓC TRẺ BỊ CHÀM SỮA ĐÚNG CÁCH

  • Việc đầu tiên bố mẹ cần làm là đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám khi có những biểu hiện đã được nêu ở trên.

  • da em bé rất mỏng manh và nhạy cảm nên dễ bị tổn thương. Chăm sóc da tốt là   yếu tố quan trọng giúp kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tái phát. Hai yếu tố quan trọng là dưỡng ẩm và tránh các yếu tố kích ứng da

+ Dưỡng ẩm chính là cách phòng bệnh tốt nhất, tạo hàng rào bảo vệ cho da. Dưỡng ẩm có chứa chất hoạt động có tác dụng chống viêm như saponins, flavonoids, riboflavins, ichithamol được khuyến cáo sử dụng: 

  • Dưỡng ẩm nên bôi sau khi tắm 5-10 phút, có thể sử dụng sớm sau sinh cho trẻ có yếu tố nguy cơ cao viêm da cơ địa ( chàm sữa).

  • Bôi ít nhất 2 lần/ ngày, bôi đủ lượng cần thiết ở trẻ em 100g/ tuần, người lớn 250g/ tuần.

  • Dưỡng ẩm cần bôi duy trì lâu dài để hạn chế tái phát

                                             
                                                                   Hình 2. Dưỡng ẩm thường xuyên cho trẻ. ( Nguồn: WebMD)

 + Loại bỏ các yếu tố gây kích ứng: mạt bụi nhà, lông động vật, thức ăn của trẻ hoặc của bà mẹ đang cho con bú, quần áo làm từ vải tổng hợp ( nylon, polyester) làm giảm thoát mồ hôi có thể làm nặng thêm bệnh, nên chọn quần áo từ cotton hoặc tơ tằm. Xà phòng mạnh, nước hoa, thay đổi nhiệt độ đột ngột…   

Hình 3: Các yếu tố hay kích ứng da ở trẻ ( Nguồn: KidsHealth)

+ Không tắm lá nên lựa chọn sữa tắm có pH từ trung tính đến acid nhẹ, không mùi, có tính dưỡng ẩm, sẽ giúp tái tạo và duy trì pH da. Tắm ở nhiệt độ 27- 300 C, không quá 5 phút. 

+ Hạn chế cào gãi:  bố mẹ nên canh chừng trẻ, khi nhìn thấy bé có động tác kỳ gãi, chà xát thì can thiệp ngay. Bên cạnh đó, khi trẻ ngứa ngáy có thể bôi dưỡng ẩm và xịt khoáng thường xuyên trong ngày để làm dịu da, giảm kích ứng và giúp trẻ không còn ngứa ngáy muốn cào gãi, có thể sử dụng kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ để giảm ngứa cho trẻ.

+ Khuyến khích cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để đảm bảo sức khỏe và hệ miễn dịch.