VẢY NẾN CÓ PHẢI CHỈ LÀ BỆNH LÝ NGOÀI DA

29/01/2021

  Vảy nến là một bệnh lý mạn tính, lành tính và hay tái phát. Trong đó, các biểu hiện ở ngoài da là thường gặp nhất.

  Hiện nay khoa học đã chứng minh rằng vảy nến không chỉ là bệnh da mà là một bệnh lý viêm hệ thống. Theo thời gian, sự viêm âm thầm của hệ thống sẽ gây ra tình trạng người bệnh vảy nến có nguy cơ mắc các bệnh lý khác như: viêm khớp vảy nến, bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, lo âu-trầm cảm, bệnh viêm ruột, và một số bệnh lý ác tính khác.

Một số bệnh lý đồng mắc gây ra bởi sự “viêm hệ thống âm thầm”.

  •  Ảnh hưởng lên hệ thống cơ xương khớp, viêm khớp vảy nến: Biểu hiện khi người bệnh thấy sưng, đỏ, đau hay hạn chế vận động ở khớp, đặc biệt là khớp gối, mắt cá, bàn tay, bàn chân.
  • Ảnh hưởng lên hệ tim mạch và nội tiết như:Hội chứng chuyển hóa là những biểu hiện của bệnh đái tháo đường (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân), tăng huyết áp (nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ nhẹ)... béo phì (thừa cân).
  • Hệ tiêu hóa như bệnh viêm ruột Crohn:nghi ngờ mắc bệnh lý viêm ruột khi người bệnh vảy nến thấy đau dạ dày, ruột thường xuyên, dai dẳng kèm tiêu chảy, có máu trong phân.
  • Bệnh lo âu-trầm cảm:người bệnh vảy nến cần thông báo với bác sĩ nếu có triệu chứng lo lắng, buồn bã, thậm chí muốn tự tử.
  • Ảnh hưởng thị lựcnhư làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm màng bồ đào, viêm bờ mi, viêm kết mạc. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy giảm thị lực, thậm chí mù.
  • Bệnh lý ung thư: người bệnh vảy nến nên chủ động tầm soát ung thư theo lứa tuổi, theo giới như tầm soát ung thư vú, ưng thư đại trực tràng…
  • Bệnh lý lymphoma: nghi ngờ nếu có các triệu chứng như hạch to, sụt cân, sốt, đổ mồ hôi đêm, ăn kém ngon, ho, mệt mỏi, khó thở.

                                                                                                     Bác sĩ: Huỳnh Thị Kiều Diễm