LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG NGỪA RÁM MÁ?

13/10/2020

                                                                                         Bs.Huỳnh Nữ Hồng Trúc

                                                                                                   Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ

Định nghĩa

  - Rám má là bệnh da tăng sắc tố mắc phải có căn nguyên và cơ chế bệnh sinh rất phức tạp, thương tổn là các dát nâu, đen đối xứng, thường xuất hiện ở mặt nhất là hai bên gò má, cằm và trán. Đây là một trong những rối loạn sắc tố phổ biến nhất và thường gặp ở những phụ nữ có làn da sẫm màu với type da III theo phân loại của Fitzpatrick.

Cơ chế bệnh sinh

  - Cơ chế bệnh sinh của bệnh chưa rõ ràng, nhiều nguyên nhân được cho rằng có liên quan đến bệnh:

      + Di truyền

      + Ánh sáng mặt trời

      + Nội tiết

      + Hóa chất

      + Viêm nhiễm cấp hay mạn tính

Chẩn đoán

  - Thông thường, rám má có thể được chẩn đoán bằng hỏi bệnh sử và khám lâm sàng.

  - Tổn thương cơ bản là các dát tăng sắc tố màu nâu, nâu đen, xanh đen. Màu sắc có thể đồng đều, có thể không, ranh giới tổn thương thường không đều và thường có tính chất đối xứng, không có vảy, không ngứa, không đau. Các dát sắc tố này tăng đậm về mùa xuân hè, có giảm về mùa thu đông. Tổn thương thường khu trú ở hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, cằm. Đôi khi tổn thương còn xuất hiện ở phần trên cánh tay.

  - Phân loại theo độ sâu của tổn thương: rám má thượng bì, rám má trung bì, rám má hỗn hợp.

Điều trị

  - Rám là tình trạng khó điều trị và xử trí thích hợp, cần phải phối hơp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả cao nhất.

  • Kiểm soát yếu tố nguy cơ: bôi kem chống nắng, nón rộng vành…
  • Thuốc bôi làm trắng: hydroquinone, axit azelaic, niacinamide, thiamidol…
  • Tái tạo da bằng hóa chất: glycolic acid, salicylic acid, lactic acid, trichloroacetic acid…
  • Laser/ ánh sáng: IPL, Qswitched, laser vi điểm…
  • Khác: thuốc uống tranexmic acid, thuốc uống chống oxy hóa…..

Cách phòng ngừa

  - Chống nắng bảo vệ da:  - Chống nắng cơ học bao gồm tránh nắng, nhất là trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 16 giờ chiều; đội mũ rộng vành; mang khẩu trang, găng, vớ làm bằng chất liệu vải sợi dầy, khít và có màu sậm khi ra nắng

  - Kem chống nắng: nên lựa chọn các sản phẩm chứa các hoạt chất sau.

  - Kem chống nắng vật lý chứa các hoạt chất chống nắng: titanium dioxide, zinc oxide. Khuyết điểm để lại màu trắng trên da.

  - Kem chống nắng hóa học chứa các hoạt chất chống nắng: chống UVB ( cinnamates, salicylates, Phenylbenzimidazole Sulfonic Acid).    Chống UVA ( Benzophenones, Menthyl Anthranilate , Parsol 1789, Mexoryl). Khuyết điểm có thể gây dị ứng và không ổn định dưới ánh nắng mặt trời.

  - Các chế phẩm chống nắng có phổ hấp thu rộng với SPF 30 và UVA ++ là thích hợp nhất cho việc sử dụng hàng ngày.

  - Nên bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài 30p kể cả khi trời râm mát, bôi lại mỗi 2 giờ hoặc sau khi đổ mồ hôi, đi bơi.

      + Chống nắng dạng uống chứa polypodium leucotomos (PLE).

  - PLE là chiết xuất từ cây dương xỉ. Có tính an toàn cao, sử dụng lâu dài mà không gây tác dụng phụ và có nhiều công dụng như:

      + Chống oxy hóa mạnh

      + Bảo vệ chức năng miễn dịch

      + Bảo vệ DNA khỏi bị tổn thương nhờ vào giảm số lượng tế bào bị phỏng nắng

      + Bảo tồn cấu trúc da.

      + Điều trị các ổ viêm nhiễm.

      + Thường xuyên kiểm tra sức khỏe phát hiện các rối loạn nội tiết trong cơ thể để chỉnh kịp thời.

      + Sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, bia rượu nhiều, không hút thuốc lá, ăn nhiều hoa quả, thức ăn có nhiều vitamin và khoáng chất

     -   Khi bị rám má cần đến khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng cách và hiệu quả. Tuyệt đối không tự ý bôi thuốc hoặc mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

    

Tài liệu tham khảo

1.   Lê Thái Vân Thanh (2015), Nghiên cứu rám má trên phụ nữ mang thai và một số biện pháp can thiệp, Luận án Tiến sĩ Y học, Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.

2. Gupta, A. K., et al. (2006), "The treatment of melasma: a review of clinical trials", Journal of the American Academy of Dermatology.

3. Lim, H. W. and Draelos, Z. D. (2008), Clinical guide to sunscreens and photoprotection, Informa Health Care.

4. Middelkamp-Hup, M. A., et al. (2004), "Orally administered Polypodium leucotomos extract decreases psoralen-UVA–induced phototoxicity, pigmentation, and damage of human skin", Journal of the American Academy of Dermatology.

5. Philips, N., et al. (2009), "Beneficial regulation of matrixmetalloproteinases and their inhibitors, fibrillar collagens and transforming growth factor-β by Polypodium leucotomos, directly or in dermal fibroblasts, ultraviolet radiated fibroblasts, and melanoma cells", Archives of dermatological research.

6. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4345929/